Masayoshi Softbank - Tỉ phú giàu nhất nước Nhật

Nếu như nước Mỹ có một Bill Gates thì nước Nhật cũng có thiên tài kinh doanh tin học của họ. Đó là Masayoshi Son, người sáng lập và đồng thời là Tổng giám đốc điều hành của Softbank, tập đoàn tin học lớn nhất của Nhật Bản.
Masayoshi Son không chỉ là nhà tỉ phú giàu nhất, mà còn được coi là doanh nhân Nhật Bản vĩ đại nhất về máy tính. Với rất nhiều phi vụ kinh doanh nổi đình nổi đám, Masayoshi Son được biết đến là nhà kinh doanh có biệt tài bất chợt nhìn thấy cơ hội kinh doanh lớn mà người khác không nhận ra. Đã có thời kỳ, chính xác là thời điểm hoàng kim của cơn sốt dot.com, trên toàn thế giới, tài sản của Masayoshin Son tại Softbank và các công ty phần mềm được định giá tới 76 tỉ USD. Khi đó Masayoshin Son là người giàu nhất thế giới chứ không phải Bill Gates. Masayoshin Son được coi là người tiên phong đã phổ cập Internet cho toàn nước Nhật. Những công nghệ tiên tiến nhất về đường truyền tốc độ cao, áp dụng băng thông rộng mà Masayoshin Son thực hiện đã giúp cho nước Nhật có những bước tiến ngoạn mục trong việc sử dụng Internet.

Xuất thân là con một gia đình thiểu số

Softbank là công ty tin học bắt đầu từ kinh doanh phần mềm, máy dịch ngôn ngữ điện tử, tạp chí tin học rồi Internet. Thời kỳ cuối những năm 90, tập đoàn này được định giá trên 100 tỉ USD trên thị trường chứng khoán.

Masayoshin cũng như Softbank nổi tiếng còn vì tập đoàn này tham gia hùn góp vốn với rất nhiều tập đoàn tin học khác như với Microsoft, Yahoo, Novell, CyberCash, Comdex, ZiffDavis. Nhiều công ty Nhật Bản thường không muốn công khai các dự án liên doanh, hùn góp vốn của mình nhưng Masayoshin Son và Softbank thì ngược lại.

Masayoshin Son luôn tự hào công bố Softbank của mình là số 1 trong lĩnh vực liên doanh đầu tư với các đối tác khác trong ngành. Mới đây nhất, Soft bank đã làm tốn bao nhiêu giấy mực của giới truyền thông về việc bỏ ra tới 12,8 tỉ Euro, tương đương với 15,5 tỉ USD để mua toàn bộ hệ thống kinh doanh của Vodafone tại Nhật Bản.

Với phi vụ trên, tập đoàn Softbank đã trở thành nhà cung cấp điện thoại di động lớn thứ ba tại Nhật Bản sau tập đoàn NTT và KDDI.

Masayoshin ngày nay được tôn vinh là một trong những nhà doanh nghiệp tài ba nhất của thời kỳ Internet. Để đạt điều đó, ông đã phải nỗ lực không ngừng và trên hết phải vượt qua chính mình. Đó là mặc cảm của một bộ phận người thiểu số sống trên đất Nhật.

Mặc dù sinh ra ở Nhật từ năm 1957, có quốc tịch Nhật nhưng Masayoshin Son thực ra là người Hàn Quốc. Bố mẹ Masayoshin Son sang định cư ở một vùng phía Nam nước Nhật. Cùng với bộ phận người Hàn Quốc sống ở đây, gia đình Masayoshin Son luôn bị coi là một dân tộc thiểu số Nhật.

Bố mẹ của ông không có điều kiện học hành để đi làm cho các công ty lớn của Nhật. Hai ông bà cùng cậu con trai Masayoshin Son phải rất vất vả, vật lộn với cuộc sống cũng như để giành được sự thừa nhận trong xã hội ở Nhật. Về sau, bố mẹ Masayoshin Son có tiền để mở một casino nho nhỏ, đủ để sống được trên đất Nhật đắt đỏ.

Sinh ra và lớn lên trong môi trường như vậy nên ông thường có mặc cảm tự ti. Ông luôn nghĩ rằng mình là gốc người nước ngoài khó mà ngóc đầu lên được. Học hết phổ thông, Masayoshin Son nằng nặc thuyết phục bố mẹ mọi cách để được sang Mỹ học tiếng Anh. Học xong, Masayoshin Son lại quyết định theo học đại học ở Mỹ. Bố mẹ dù không muốn nhưng cũng không thể cản nổi cậu con trai rất bướng bỉnh và dù gì thì Masayoshin Son lúc đó cũng đang ở trên đất Mỹ rồi.

Vượt qua mặc cảm để đến với thế giới tin học

Ông học khoa kinh tế trường Đại học tổng hợp Berkeley. Càng sống lâu trên đất Mỹ, Masayoshin Son càng như có vẻ không muốn trở về Nhật. Chính Masayoshin Son sau này thừa nhận cuộc sống và cách sống của Mỹ như đã giải phóng ông rất nhiều khỏi mặc cảm tự ti của một người thiểu số.

Sống ở Mỹ nhiều, ông thấy ở đây cơ hội thành đạt và được thừa nhận của những người thiểu số rất lớn, bất kể họ có nguồn gốc từ đâu, màu da gì. Đặc biệt ở vùng phía Tây, bang California, tỉ lệ người gốc châu Á thành đạt rất nhiều. Ông trở nên rất tự tin vào khả năng của mình.

Với năng khiếu nhất định về tin học, ông đã tìm cách kinh doanh ở lĩnh vực này ngay từ khi còn là sinh viên. Masayoshin Son kể lại rằng ông lần đầu tiên biết đến khái niệm computer khi tình cờ cậu sinh viên trẻ Masayoshin nhìn thấy bức ảnh của một cái chip của computer.

Bức ảnh in bảy sắc cầu vồng đã gây ấn tượng quá mạnh tới Masayoshin Son và ông luôn để dưới gối ngủ của mình. Say mê với máy tính, Masayoshin Son đã tìm ra "lỗ hổng thị trường" đầu tiên là làm sao có được những chiếc máy tính cá nhân có thể dịch thuật từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia.

Là người nước ngoài sống ở Mỹ nên Masayoshin Son lại càng hiểu nhu cầu đó. Ông miệt mài viết phần mềm cho chương trình dịch thuật. Chương trình phần mềm này của Masayoshin Son bán cho hãng điện tử Sharp. Sau đó, Sharp đặt hàng tiếp cho Masayoshin Son nâng cấp hoàn thiện chương trình phần mềm này. Và anh chàng sinh viên châu Á tài năng Masayoshin Son đã có được một khoản tiền lên tới cả triệu USD.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1981, Masayoshin Son thành lập công ty Softbank. Công ty được thành lập trên đất Mỹ nhưng ngay từ bấy giờ, ông đã nghĩ đến việc quay trở về Nhật kinh doanh. Hiện nay, công ty Softbank là công ty kinh doanh phần mềm lớn nhất của Nhật. Công ty có hơn 1.000 nhân viên ở Nhật và hơn 500 nhân viên ở Mỹ.

Tiên phong khai phá thị trường Internet

Sự phát triển nhanh nhóng của Softbank cũng như sự giàu có đột biến của ông chủ Masayoshin Son bắt đầu từ lĩnh vực kinh doanh Internet. Khi dịch vụ Internet ở Mỹ trở nên rất phát triển nhờ sự cạnh tranh cao, giá thành hạ thì ở Nhật Bản điều này vẫn chưa xảy ra.

Masayoshin đã nhận thấy ngay rằng phí Internet ở Nhật vẫn còn quá cao, công nghệ Internet băng thông rộng chưa phổ biến. Vì vậy, Masayoshin Son đã quyết định về Nhật để đầu tư lĩnh vực này.

Masayoshin Son cất công tới trung tâm công nghệ cao về tin học ở thung lũng Silicon để tìm các đối tác thích hợp. Một quyết định vô cùng nhạy bén của Masayoshin Son là năm 1996, ông đã bỏ ra 100 nghìn USD để mua lại quyền được sử dụng hệ thống Yahoo tại Nhật Bản. Ông bắt đầu hệ thống kinh doanh Internet của mình chỉ với 17 nhân viên.

Sự xuất hiện của hệ thống Yahoo trên đất Nhật do Masayoshin Son khởi xướng như đã thổi một luồng gió mới vào thị trường Internet nước này. Tập đoàn NTT Docomo trước kia gần như độc quyền một mình một chợ nay đã gặp phải đối thủ xứng đáng.

Masayoshin Son đầu tư phát triển Internet băng thông rộng. Tốc độ Internet rất nhanh đã khiến cả nước Nhật chỉ trong một thời gian ngắn sôi sục mở tài khoản sử dụng Internet. Và Masayoshin Son đã nhanh chóng chiếm tới 1/3 thị phần với hàng triệu thuê bao.

Mặc dù mới xuất hiện, thời gian đầu lại phải rất tốn kém thuê đường truyền của các công ty khác nhưng Masayoshin Son đã nhanh chóng thu được khách hàng nhờ tiện ích và nhất là sự phong phú của các dịch vụ. Đặc biệt, qua Internet tốc độ cao do ông phục vụ, khách hàng có thể sử dụng điện thoại giá rẻ. Và đây chính là một chiêu độc để Masayoshin Son cạnh tranh với các đối thủ của mình trên thị trường viễn thông vô cùng hấp dẫn.

Đội ngũ kỹ sư tài ba của Masayoshin Son đã phát minh ra loại modem riêng dùng cho băng thông rộng. Chính nhờ modem này mà khách hàng của Softbank có thể được tiếp cận với hàng trăm kênh truyền hình kỹ thuật số, hay các kênh video chất lượng cao. Masayoshin Son còn trở thành người đi đầu trong việc khai thác kinh doanh trong lĩnh vực giải trí bằng các phương tiện công nghệ cao.

Tham vọng ảnh hưởng đến cả thế giới

Không thể không kể đến các hoạt động marketing bài bản và thường xuyên của Masayoshin Son. Để quảng cáo, Masayoshin Son không chỉ dùng những tờ rơi hay băng rôn mà còn có những chiến dịch tặng khách hàng modem băng thông rộng, thực hiện dịch vụ lắp đặt miễn phí.

Chỉ hơn 3 năm sau, từ 100.000 USD đầu tư ban đầu, Yahoo tại Nhật Bản đã được lên giá tới 14 tỉ USD ở thời kỳ đỉnh cao của thời kinh tế dot.com vào năm cuối cùng của thế kỷ 20.

Masayoshin Son từ một người thiểu số mặc cảm và tự ti ở Nhật đã trở thành một tỉ phú đầy tham vọng. Đã có không ít người Nhật Bản so sánh ông với Bill Gates của Mỹ. Và bản thân chính ông thấy mình cũng có thể nổi tiếng được như Bill Gates, cả về sự giàu có lẫn ảnh hưởng của ông với thế giới.

Từ kinh nghiệm khi đầu tư với Yahoo, cùng với tham vọng vô cùng lớn lao, dần dần Masayoshin Son hình thành triết lí kinh doanh của riêng ông là phải tìm cách ảnh hưởng tới càng nhiều công ty càng tốt. Masayoshin vì thế đã trở thành nhà đầu tư cho rất nhiều công ty, tập đoàn khác.

Ông còn được coi là "bà đỡ" của nhiều công ty tin học khi mới ra đời. Tập đoàn alibaba.com của tỉ phú Trung Quốc mới nổi Jack Ma là một ví dụ tiêu biểu khi Masayoshin Son đã mạnh dạn đầu tư 20 triệu USD cho Ma thành lập công ty. Masayoshin Son đã tham gia góp vốn vào 500 công ty tin học và công nghệ cao.

Sự đầu tư rất nhiều vào một lĩnh vực kinh tế tri thức đã là thời điểm đưa Masayoshin Son lên "mây xanh" với tài sản được định giá 76 tỉ USD. Khi nền kinh tế dot.com sụp đổ thì Masayoshin Son đã bị thiệt hại nặng nề. Tài sản của Masayoshin Son đã giảm nhiều và "chỉ còn" chưa đến 10 tỉ USD. Mặc dù vậy, Masayoshin Son vẫn rất tự hào mình là nhà đầu tư số 1 vào lĩnh vực công nghệ cao.

Masayoshin Son là con người đầu tư khá mạo hiểm nhưng ông vẫn không bao giờ từ bỏ các tham vọng của mình. Cuối năm 2004, Masayoshin Son đã bỏ ra nhiều tỉ để mua lại cổ phần công ty Telecom Nhật Bản đang kiểm soát hệ thống điện thoại cố định. Chỉ ít lâu sau, nhằm chi phối mạng điện thoại di động, ông đã bỏ ra gần 15 tỉ USD để đầu tư.

Hiện nay Softbank là cổ đông lớn của 4 trong số 12 công ty kinh doanh Internet lớn nhất thế giới. Với 2 đại gia trong đó là GeoCities và ZDNet, thông qua Softbank, Masayoshin Son sở hữu tới 30% cổ phần. Sau khi mua lại Công ty Vodafone Nhật Bản, Masayoshin Son đã có ngay được trên 15 triệu thuê bao cùng hệ thống cơ sở hạ tầng của mạng lưới điện thoại di động. Và nhà tỉ phú Masayoshin Son đầy tham vọng đã không ngần ngại công bố chiến lược phát triển và mục tiêu trở thành số1 trong lĩnh vực điện thoại di động.


(Sưu tầm internet)
..:: Học hỏi từ người nổi tiếng ::..
Xem bài trước « Bài đăng Mới hơn Xem bài kế tiếp Bài đăng Cũ hơn » Trang chủ

Cái bài viết vừa đăng


Lên đầu trang